Cuộc chiến lần thứ ba Chiến_tranh_Lưu_Tống-Bắc_Ngụy

Trong cuộc chiến lần thứ ba, Bắc Ngụy lại khai mào trước.

Năm 450, Thái Vũ đế điều động 10 vạn quân vây đánh Huyền Hồ[17]. Tướng Tống là Trần Hỷ chỉ có 1000 quân chống trả trong 42 ngày, quân Ngụy bị thiệt hại hơn 1 vạn nhưng không hạ được thành. Tuy vậy, các thành xung quanh đều sợ uy thế của quân Ngụy và bỏ thành rút chạy.

Lưu Tống yếu thế hơn, nhưng Tống Văn Đế vẫn muốn ra quân, có sự hưởng ứng của Từ Trạm Chi, Giang Trạm, Vương Huyền Mô. Lão tướng Thẩm Khánh Chi nhất quyết phản đối, cho rằng quân Tống phần lớn là bộ binh, không thể đánh bại được kị binh của Ngụy, nên Đáo Ngạn Chi và Đàn Đạo Tế đều thất bại những lần trước. Văn Đế không nghe, quyết ý chuẩn bị cuộc tấn công bắc tiến lần thứ hai, cho quân đồn trại và vận chuyển lương thảo đến các khu vực ven biên giới, sai các tướng do Vương Huyền Mô làm thống lĩnh đem quân Bắc phạt.

Tháng 7 năm 450, quân Tống xuất phát. Phía đông, Vương Huyền Mô và Thẩm Khánh Chi cầm quân thủy hợp binh dưới quyền chỉ huy của Tiêu Bân; phía tây, hoàng tử Lưu Đãn cùng Liễu Nguyên Cảnh đánh chiếm Hoằng Nông[18].

Chiến sự phía đông

Quân Tống đánh Hoạt Đài

Vương Huyền Mô mang thuỷ quân của Thẩm Khánh Chi cùng Thân Thản giao cho thứ sử hai châu Thanh, Ký là Tiêu Bân chỉ huy, đi hướng phía đông như đường Đáo Ngạn Chi đã đi năm 430. Nhờ nước sông lên cao, quân Tống tiến đến Cao Ngao rất thuận lợi.

Tướng Ngụy ở các thành Cao Ngao, Nhạc An đều bỏ thành chạy. Tiêu Bân lưu Thẩm Khánh Chi ở lại giữ Cao Ngao, chia quân cho Huyền Mô và Thản Hộ Chi đánh Hoạt Đài. Bộ tướng có người kiến nghị rằng trong thành nhiều mái tranh, nên dùng tên lửa bắn vào thành. Huyền Mô sợ sẽ cháy hết phòng ốc, khi hạ thành sẽ không có chỗ ở, vì thế không dùng kế. Phía trong thành, quân Ngụy biết nhược điểm nên đã dỡ hết mái tranh xuống.

Dân trung nguyên nghe tin quân Tống bắc phạt, đã tụ nhau hàng ngàn người, đến xin nhập vào quân Tống. Huyền Mô không cho người chỉ huy quân nông dân quyền điều binh mà phân tán họ vào các đội ngũ của mình; thậm chí còn bắt mỗi người nộp 1 tấm vải và 800 quả lê. Dân trung nguyên thất vọng vì sự đòi hỏi của tướng Tống nên quay sang ủng hộ quân Ngụy. Kết quả quân Tống đánh thành Hoạt Đài vài tháng không hạ được[19].

Vua Ngụy cứu thành

Tháng 9, Ngụy Thái Vũ Đế đích thân nam tiến cứu Hoạt Đài. Các tướng dưới quyền được tin viện binh Ngụy sắp đến, khuyên Vương Huyền Mô nên dốc sức đánh hạ Hoạt Đài và dùng xe lập trại để phòng ngự, nhưng Huyền Mô đều không nghe theo.

Tháng 10 năm 450, Thái Vũ đế kéo đến Lịch Đầu[20]. Trước tiên, Thái Vũ Đế nhân lúc đêm tối sai người lẻn vào thành, động viên tướng sĩ trong thành cố sức phòng thủ. Sau đó vua Ngụy hạ lệnh cho quân qua sông cứu thành, xưng là có trăm vạn quân, tiếng trống thúc vang trời.

Vương Huyền Mô sợ hãi, hạ lệnh rút quân, vội quay đầu chạy. Quân Tống tan vỡ. Quân Ngụy ra sức truy kích giết hơn vạn quân Tống, bắt được rất nhiều khí giới.

Thái Vũ Đế sai dùng dây xích sắt buộc thuyền bè thu được giăng ngang 3 hàng trên sông để ngăn đường rút lui của Thản Hộ Chi. Thản Hộ Chi nhân lúc nước sông chảy xiết, nhanh chóng bơi thuyền tới, sai quân dùng búa cán dài chém đứt xích sắt để vượt qua, quân Ngụy không thể ngăn được. Hơn 100 chiến thuyền của quân Tống chạy thoát về, chỉ bị mất 1 chiếc[21].

Quân Tống rút lui

Tổng chỉ huy Tiêu Bân ở Cao Ngao, nghe tin Huyền Mô thua trận, sai Thẩm Khánh Chi mang 5000 quân đi tiếp ứng cho Vương Huyền Mô. Khánh Chi cho rằng không có đủ 1 vạn quân thì không thể ngăn được quân Ngụy. Hai bên còn đang tranh cãi thì Huyền Mô đã chạy về đến nơi. Tiêu Bân tức giận định chém Huyền Mô, nhờ Khánh Chi nói đỡ nên Huyền Mô được tha.

Thấy quân Ngụy thế lớn, các tướng Tống phải bàn nhau rút hết quân về cố thủ ở Cao Ngao. Tiêu Bân thấy Thẩm Khánh Chi nói việc Huyền Mô có lý, bèn theo kiến nghị của Khánh Chi, chỉ để lại Huyền Mô giữ Cao Ngao; để Thản Hộ Chi giữ Thanh Khẩu; còn bản thân Tiêu Bân về giữ Lịch Thành. Tháng 1 năm 451, do vị trí của Cao Ngao đặc biệt, khó giữ mãi được nên Tống Văn Đế hạ chiếu gọi Vương Huyền Mô rút lui khỏi Cao Ngao. Trong khi bỏ chạy, Huyền Mô bị quân Ngụy truy kích bắn trúng tay[22].

Chiến sự phía tây

Tuỳ vương Lưu Đãn nhà Tống làm Thứ sử Ung châu, cầm đầu cánh quân Tống có các tướng Liễu Nguyên Cảnh cùng lão tướng Bàng Quý Minh xuất phát từ Tương Dương. Bàng Quý Minh đề nghị sai người vào Quan Trung phát động người Hán trên đát Ngụy và cả các tộc Hồ hưởng ứng.

Khi quân Tống tiến đến Lư Thị thì có tướng bản địa là Triệu Nan hưởng ứng. Tướng Tống là Tiết An Đô nhân đó theo đường núi Hùng Nhĩ tiến lên phía bắc, Liễu Nguyên Cảnh mang quân theo sau.

Tháng 10 nhuận năm đó, quân Tống hạ được Hoằng Nông. Liễu Nguyên Cảnh để An Đô ở lại giữ Hoằng Nông, còn mình mang đại quân tiến đánh Đồng Quan và Thiểm châu. Tướng Ngụy là Liên Đề không chống nổi, bị tử trận cùng 3000 quân. Hai vạn quân Ngụy bị bắt, được Nguyên Cảnh cho thả hết để tỏ ân đức của vua Tống. Thiểm Thành bị mất khiến Đồng Quan bị mất theo. Quân Tống uy hiếp phía tây dữ dội. Hào kiệt người Hán ở Quan Trung cũng như người Khương, người Hung Nô hưởng ứng quy hàng.

Cánh quân phía tây thứ hai của Lưu Tống do Lương Thản và Lưu Khang Tổ chỉ huy cũng hạ được thành Trương Xã[23] rồi tiến đánh Hổ Lao.

Nhưng lúc đó tin bại trận của Vương Huyền Mô phía đông báo về Kiến Khang. Tống Văn đế lại cho rằng cánh này bị thua nặng thì phía tây cũng không nên đơn độc vào sâu đất địch nên hạ lệnh lui quân. Các tướng Tống đành rút về Tương Dương. Phía tây của Bắc Ngụy qua được nguy hiểm.